Home Truyện Đọc Nợ nhau kiếp này

Nợ nhau kiếp này

15
0

Quang.name.VN – UMBALA.TK

Thằng Tí nhiều lần nói: “Không biết tía tao là ai hen mậy? – Tôi không bao giờ đáp lại những câu hỏi như thế của nó, bởi tôi biết gì đâu mà trả lời. Còn tôi, tôi tự hỏi bản thân mình: “Tôi là ai? Tôi sinh ra để làm gì?”

Nhà chú Út có cây ổi to đùng, trái oằn nhánh. Hồi bé, tôi với thằng Tí hay leo lên tít trên ngọn, hái trái ăn đến khi no căng bụng mới chịu xuống. Thằng Tí là đứa cháu trai duy nhất của chú, mặc nhiên, nó trở thành ông chủ nhỏ nên nhiều khi cũng chướng lắm, nó vui thì tôi mới được vui, chứ nó mà buồn thì coi như ngày hôm ấy không được ăn ổi.

Kể ra nhà chút Út trồng rất nhiều cây ăn trái, chính vì thế tôi rất thích ở lại nơi đây. Tôi và tía ở đậu nhà chú, khi là dăm ba ngày, có khi lên đến tận cả tháng. Khoảng thời gian này thường không xác định, chỉ là khi nào má về lại thành phố thì tía con tôi sẽ quay về nhà. Không biết tía có thích sống ở đây không chứ tôi thì khoái lắm:

– Chú Út mát tay thiệt, trồng cây gì cũng trái quá trời, thằng Tí sướng ghê, tía hen.

Tía cười khà khà:

– Um, bây dọn qua ở với chú luôn đi.

Rồi như nhận thấy điều gì đó bất thường trên khuôn mặt tôi, tía bào chữa:

– Tao nói chơi.

Tía chưa bao giờ nhắc về má trước mặt tôi. Những câu chuyện về má, về tuổi thơ tôi và những đứa trẻ bị bỏ rơi chỉ được người dân trong làng truyền tai nhau.

Thời còn trẻ, tía và má là một đôi, họ yêu thương nhau rồi về sống cùng một nhà chứ chẳng cưới hỏi gì, lúc ấy tía nghèo còn má cũng không thể khá hơn. Nhà không có ruộng vườn nên tía đi đặt lọp, mang ra chợ đổi gạo. Hôm nào đi trúng con nước, cá nhiều, ngày ấy mới có tiền mua thêm chút thịt về kho khô, còn bình thường, gia đình có cơm trắng ăn đã là may mắn. Tía xót má ở nhà phải đi làm mướn cho người ta nên vay tiền để má học may trên chợ. Má nổi tiếng khéo tay, may bộ nào cũng đẹp, dần dần bà con kéo đến ủng hộ ngày càng đông, kinh tế gia đình từ đó ngày một sung túc.

Ảnh mang tích chất minh họa – Quang.name.Vn

Ngôi nhà nhỏ của họ tưởng chừng đã hạnh phúc viên mãn thì một ngày kia, người ta từ nơi xa, cái nơi thị thành nhộn nhịp về cướp má khỏi vòng tay tía. Ngày má đi, tía đã quỳ gối dưới chân vợ mình mà van nài, rồi má cũng dứt dạ, để lại tía một thân một mình, gà trống nuôi con. Khi ấy chị Thắm còn chưa đầy thôi nôi.

Chị Thắm là đứa con gái duy nhất của tía, là minh chứng cho một mối tình tuy đẹp nhưng lại buồn. Còn tôi, tôi được tía nhặt nuôi từ khi còn đỏ hỏn, ở khu đất gò mã sau nhà. Người ta đã đặt tôi ở đó để từ bỏ, để quên đi một đứa con mà họ đứt ruột sinh ra.

Tôi gọi má bằng má để tía vui lòng chứ thật ra, chưa bao giờ má thừa nhận. Cũng đúng, ở đâu ra một đứa con ngang hông như tôi. Bởi vậy, mỗi lần kêu tiếng “má”, tôi nghe chua chát lắm.

– Tôi có mình con Thắm, ổng muốn nuôi thì ổng nuôi chứ liên can gì mà biểu nhận. – Má Cau có nói với bà Năm.

Chiều nay má lại về, như thường lệ, tía xách xuồng chèo qua kia sông, xuống nhà chú Ứt tránh mặt. Không ai bảo ai, gia đình chú mặc nhiên hiểu, họ dọn nhà để chứa chấp những người vô gia cư bất đắt dĩ. Nhà chú Út có phải bà con thân thích gì của tía con tôi đâu, chỉ là họ nợ tía nên phải trả. Tía nhiều lần nói như vậy nhưng chưa bao giờ tôi dám hỏi họ nợ thế nào? Nợ ra sao? Cứ mỗi lần tôi lân la tìm hiểu thì tía lại cau có, khó chịu. Người dân trong làng thì bảo chú nợ tía một chữ: Tình.

Nghe kể đâu ông chồng hiện tại của má là bạn học cùng chú trên Sài Gòn, cũng tại chú dẫn về quê giới thiệu này kia nên má mới chết mê, chết mệt rồi bỏ chồng, bỏ con mà đi theo người ta. Trăm sự cũng tại chú Út mà ra không hà. Bởi vậy, chú út phải có trách nhiệm với tía. Nhiều lúc thấy thương tía, thấy thương cho cô ba Đậu đỏ nên chú út đứng ra mai mối cho hai người, vậy mà tía gạt phăng:

– Thôi đi, một đứa đã khổ, theo tao nữa cho khổ cả đám hả chi.

Chú Út khi ấy chỉ biết lặng thinh.

Cô Ba Đậu Đỏ là mẹ thằng Tí, người ta gọi như thế vì cô bán chè đậu đỏ ở ngoài đầu chợ, cái tên Đậu Đỏ thân thương ấy dần dần chết danh theo năm tháng. Tính ra cô Ba bán chè ở đó cũng mười mấy năm rồi, cô bán từ thời con gái, cũng vì quán chè ấy mà cô quen biết người ta, rồi không biết khi hay tin về sự hình thành của thằng Tí thì người ta đã đi đâu, mà đến giờ vẫn biệt tăm.

Chúng tôi chỉ biết thằng Tí có mẹ, có chú Út, còn tía nó đâu, ngoài cô Ba ra chắc không một ai biết. Thằng Tí nhiều lần nói:

– Không biết tía tao là ai hen mậy? – Tôi không bao giờ đáp lại những câu hỏi như thế của nó, bởi tôi biết gì đâu mà trả lời.

Còn tôi, tôi tự hỏi bản thân mình: “Tôi là ai? Tôi sinh ra để làm gì?”

Sau này má về thăm nhà thường xuyên hơn. Chị Thắm giống má, càng lớn càng xinh đẹp, mặn mà. Người ta đồn má muốn gả chị Thắm cho một anh nhà giàu nào đó trên Sài Gòn. Tôi không biết họ nói có đúng không nhưng tôi biết thằng Tí thương chị.

– Thằng Tí nó thương chị đó, chị Thắm!

– Thương gì mà thương, em làm như em trong dạ người ta không bằng. – Chị Thắm giãy nãy.

Hai tiếng “người ta” ngọt ngào pha chút thẹn thùng trên khuôn mặt của chị kiến cho dạ tôi thấy bồn chồn, bất an quá đỗi.

Chị Thắm nói cũng đúng, tôi đâu phải thằng Tí, vậy mà sao cái gì của nó tôi cũng biết hết trơn. Tôi biết nó khoái nhất là món thịt kho trứng, cứ mỗi dịp Tết đến là cô ba sẽ nấu một nồi thật to để cho nó ăn thỏa thích. Tôi biết nó thuận tay trái, hồi nhỏ đi học cô giáo đánh sưng cả tay nó mới có thể cầm viết bằng tay phải. Tôi còn biết nó có sở thích vô cùng kỳ quặc là ngoáy mũi trước khi đi ngủ, ngày nào cũng vậy, nếu không đưa tay ngoáy ngoáy cái lỗ mũi thì nó không thể ngủ ngon.Và còn vô số sở thích kỳ quặc của nó mà ngoài tôi ra, hiếm có một người thứ 2 biết được.

Năm 20 tuổi chị Thắm lấy chồng, chồng chị Thắm chắc chắn không phải thằng Tí. Có lẽ, Chị Thắm không phải là một đứa trẻ may mắn, nhưng chắc chắc chị tốt phước, ít nhất là hơn tôi. Chị có tía, có má và có cả thằng Tí. Và đặc biệt, tía không bỏ chị lại ở một cái gò mã khác, còn tôi, tôi đã may mắn hơn bao nhiêu đứa trẻ khác khi được tía mang về từ cái gò mã này.

Cứ như thế, câu chuyện của chị, thằng Tí, tôi và những đứa trẻ bị bỏ rơi cứ như thế trôi theo năm tháng, không một ai còn nhớ đến.

Thu Gọn Nội Dung

Tác giả: Đào Trần
Nguồn: blogviet.com.vn

Bạn muốn gửi Bình luận

Loading Facebook Comments ...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here