Quang.name.VN – Lẽ phải dạy ta rằng một người đàn bà góa có thể vì tình yêu ở vậy suốt đời, không một ngày quên người đã mất. Trái lại, không yêu chồng mà lúc chồng qua đời, còn thủ tiết cho đến khi nhắm mắt, chỉ là hi sinh vô nghĩa cho một tục lệ trái với thiên đạo.
Tục lệ ấy là một tục lệ được người xưa hoan nghênh, kính trọng. Theo nền luân lý thường ngàn năm để lại, đã là đàn bà thì chỉ có thể lấy một chồng. Tình yêu không có nghĩa lý gì. Ngay từ hôm cưới, người vợ đã thành ra thuộc quyền sở hữu của ngườì chồng, của gia đình chồng, và nếu chồng khuất núi, bổn phận của vợ là phải thủ tiết hết đời, dẫu đối với chồng, không có mẩy may thương nhớ……
Link Dự Phòng
Nhung áp gối bông vào mặt để cho làn vải êm mát làm dịu đôi má nóng bừng. Nằm yên được một lúc, nàng lại vật mình xoay người, hai tay ôm ghì chiếc gối vào ngực, rồi mở to mắt nhìn ra phía có ánh trăng lọt vào, lẩn thẩn đếm từng bóng lá cây lay động trên bức màn the. Một cơn gió thổi qua rào rào trong rặng tre sau nhà. Nhung thở dài:
– Không biết đêm nay mình làm sao thế này?
Nàng thở dài thật mạnh một lần nữa cho khỏi thấy cái cảm giác nặng nề đè nén trên ngực, rồi nhắm mắt lại cố ngủ. Nhưng nàng không sao ngủ được, thấy đứa con nằm bên cạnh, nàng ngồi dậy, phe phẩy quạt cho con.
Nét mặt ngây thơ của đứa bé ngủ một cách bình tĩnh dưới bóng trăng làm cho Nhung tự thẹn về những ý nghĩ bất chính dồn dập trong tâm trí nàng lúc đó. Những ý nghĩ này, nàng thấy mang máng là bất chính, nhưng nàng không hiểu tại sao lại bất chính, và cũng không muốn tìm xem cho rõ là những ý nghĩ gì.
Nhung lại nằm xuống và vô tình quen tay với cái gối ôm vào lòng. Nằm được một lúc, tự nhiên nàng hất cái gối ra, vứt mạnh vào góc màn, rồi ngồi nhổm dậy, bước xuống đất có vẻ bực tức. Thấy trong người nóng bừng mà cơn gió mát ban đêm cũng không làm bớt được. Nhung mở hòm lấy quần áo và cầm chiếc khăn mặt bông ra phía bể nước mưa.
Nàng cởi áo cánh rồi vội vàng lấy gáo múc đầy thau nước, dội mạnh từ cổ xuống chân. Nhung thấy hơi dễ chịu, nước mưa mát dội vào làn da làm cho nàng có cái cảm tưởng được mặc một chiếc áo lụa mềm mỏng, êm mát. Dưới bóng trăng, hai cánh tay tròn trĩnh của nàng đã trắng lại càng trắng hơn, mấy dòng nước từ từ chảy từ vai xuống bàn tay lấp loáng ánh sáng. Một cơn gió thổi qua mơn man cánh tay như một cái hôn nhẹ nhàng. Nhung rùng mình, nhắm mắt, cúi đầu úp mặt vào chậu thau, lấy tay vỗ nước lên trán lên má.
Nghe tiếng động, Nhung ngửng lên. Bà Án đứng bên kia bể nước, hỏi:
– Con tắm đấy à?
Nhung đáp:
– Thưa mẹ vâng. Trời nóng quá… Mẹ có rửa mặt con lấy thau nước mẹ rửa, nước mưa mát lắm.
Bà Án nhìn con dâu âu yếm nói:
– Thôi, con liệu tắm mau mà vào, khéo không cảm. Ai lại một hai giờ đêm còn tắm như thế.
Rồi bà ra ngồi chiếc ghế mây dài đặt ở góc sân, dưới giàn thiên lý. Nhung mặc quần áo xong, bắc ghế ngồi cạnh bà Án. Nàng rút lược, rũ tóc ra trước gió cho chóng khô, rồi đưa mắt nhìn vớ vẩn. Gần chỗ nàng ngồi, mấy luống huệ nở hoa đều, mỗi lần gió thoảng qua, trông những bông huệ như một chùm sao trắng rung rinh. Hương thơm hoa huệ lẫn với hương thơm hoa lý, hoa lài tản mạn trong không khí thanh tịnh ban đêm, phản phất quanh chỗ Nhung ngồi khiến Nhung tưởng như tóc nàng, áo nàng và cả da thịt nàng cũng đượm hương thơm ngát. Nàng ngây ngất nhớ lại đêm động phòng hoa chúc năm năm về trước hồi nàng mới mười tám tuổi, vì hương thơm mấy thứ hoa đêm nay phảng phất giống mùi nước hoa mà các chị em phù dâu đã vẩy trên chăn, gối cưới của nàng.
Ngày ấy đối với nàng đã xa lắc: Chồng nàng – người chồng mà nàng chỉ kính chứ không yêu – mất đi đã gần ba năm – đến nay không còn để lại cho nàng một chút nhớ thương gì, mà chỉ để lại cho nàng cái dư vị chua chát của một quãng đời ái ân chưa thỏa mãn.
Thấy hai người ngồi đã lâu không nói, Nhung cúi đầu nhìn qua rặng cam, bảo bà Án:
– Ở bên kia có đèn sáng, không biết đèn của ai?
Nàng nói câu đó cho có câu mà nói, chứ thật ra nàng đã thấy bóng đèn của ông giáo dạy học lũ con trong nhà. Bà Án đáp:
– Chắc đèn thầy giáo. Độ này sắp đến kỳ thi nên phải thức khuya học.
Rồi nhân tiện bà nói chuyện về tính nết ông giáo khen ông giáo ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhung vui thích ngồi nghe bà Án khen ông giáo, nhưng nàng vẫn lấy làm lạ rằng bà mẹ chồng trước mặt nàng lại kể lể tính nết tốt ông giáo, một cách rất tự nhiên như vậy. Nàng khó chịu vì bà Án đã quá tin nàng đến nỗi mời ông giáo về nhà dạy trẻ, coi như một sự bình thường, không kể đến rằng trong nhà có một nàng dâu góa trẻ. Nhung nói nửa đùa nửa thật:
– Lúc ông ấy học ông ấy chẳng nghĩ gì đến tiền đâu.
– Dầu đèn là mấy tí. Cốt người ta hết lòng dạy trẻ.
Nhung tự nói như vậy nhưng ngay từ khi ông giáo chưa đến ở dạy học, còn thỉnh thoảng đến nhà chơi với em chồng nàng, nàng đã đem lòng thương hại, vì biết ông giáo đang học ở trường bách nghệ thì bị đuổi, nhà nghèo lại không kế sinh nhai. Cách đó ít lâu, vì trong nhà đông trẻ cần một ông giáo, nên em chồng nàng đưa bạn về dạy học tư ở nhà mình. Đến nay đã hơn một tháng mà Nhung vẫn coi như là không có ông giáo ở trong nhà, thỉnh thoảng gặp, nàng cúi chào lấy lệ, rồi lại thôi không để ý đến nữa.
Nhưng hôm qua… một sự tình cờ đã làm rối loạn cả tâm hồn nàng.
Chiều mát, nàng ra đứng tựa cửa hóng gió, mải cúi mặt ngắm mấy chậu lan. Lúc ngẩng lên, Nhung thấy ông giáo đứng ở bên kia đường đăm đăm nhìn mình. Nhung không sao quên được vẻ hai con mắt ông giáo nhìn nàng lúc đó, tuy ở góa đã lâu, chung quanh lúc nào cũng có người săn đón mà không lần nào thấy mình cảm động một cách mãnh liệt như thế. Nàng vội cúi mặt cho ông giáo khỏi ngượng, rồi quay vào nhà, nhưng từ lúc đó nàng đã mất cả sự bình tĩnh trong tâm trí, sinh ra mong ước vẩn vơ và bắt đầu nhận thấy đời mình đương sống là một đời thiếu thốn và ngang trái. Nhưng không phải nàng yêu vì cái cảm giác dịu dàng, êm ái của một người bắt đầu yêu, nó là một nỗi lo sợ viển vông về những việc không thể tưởng tượng được.
Nhung liếc mắt nhìn vào trong nhà, dưới ánh đèn để ở bàn thờ lờ mờ hiện ra bức ảnh chồng nàng đặt bên cạnh bài vị. Nhung nhìn chăm chú vào bức ảnh chồng như người đương đi trong đêm tối nhìn ánh lửa đằng xa để đoán lối bước lên. Nhung nhìn bức ảnh chồng, nàng vẫn thấy dửng dưng như không, chồng nàng đã mất đi là mất hẳn, không còn một chút liên lạc gì đến đời nàng nữa.
Có tiếng trẻ khóc trong nhà, bà Án bảo con dâu:
– Thằng Giao nó khóc, mợ vào với nó một tí.
Nhung bế con ra ngoài hiên, đi đi lại lại, miệng se sẽ hát ru. Ôm đứa con trong lòng, Nhung thấy tâm hồn rạo rực, nàng nhìn con nựng:
– Con tôi hôm nay quấy quá, không được ngoan ngoãn.
Nhung nhận thấy câu đó chỉ vào mình rất đúng: nàng tình cờ mượn câu mắng yêu con để tự trách mình.
Lúc qua cửa buồng khách, nàng đưa mắt nhìn lên bức hoành phi treo trên tủ chè đề bốn chữ vàng:
TIẾT HẠNH KHẢ PHONG
Bà Án đã nhiều lần nói chuyện khoe khoang với mọi người quen thuộc, hoặc kể lại cho nàng nghe lai lịch bà Tổ mẫu ở góa thờ chồng nuôi con, sau được nhà vua phong tặng.
Bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” to lớn ở bức hoành, tuy ngày nào nàng cũng trông thấy, nhưng đêm nay nàng phải để ý nhìn kỹ và nghĩ ngợi bâng khuâng.
II
Bà Án vào buồng thấy con dâu đang ngồi ở đầu giường xoay mặt vào trong. Bà lên tiếng gọi:
– Kìa mợ Tú không ra cho các thím ấy ăn cơm.
Nhung vẫn yên lặng không đáp. Nhìn kỹ biết là con dâu đương ngồi khóc, bà Án thấy mình cũng rươm rướm nước mắt. Nhưng bà khóc chẳng qua vì cái khóc đối với đàn bà rất hay lây, chứ không vì thương con dâu, hay vì nhằm ngày giỗ, bà động lòng nhớ đến con. Những lúc ấy thì bà cần phải nói gắt gỏng để che ngượng:
– Thôi ra thôi, mợ.
Nhung lấy gương soi quấn lại tóc. Nàng rút khăn lau vội nước mắt, và có ý lau qua loa để cho mọi người nhìn nàng còn biết là nàng vừa mới khóc.
Lúc nàng đi ngang qua buồng khách, những người đang ăn cỗ với em chồng nàng đứng dậy chào. Mắt hoa lên, tuy toàn là bạn thân của chồng nàng, thường ngày vẫn đến chơi nhà, mà nàng không nhận ra một ai, nàng chỉ biết những người ngồi đó là những người đàn ông trẻ tuổi, đang chăm chú nhìn mình. Nàng nóng bừng mặt, ngượng nghịu chào lại, rồi cúi đầu đi sát bên tường. Có một điều không biết tại sao nàng chắc chắn tuy nàng chưa kịp nhìn khắp mặt là trong số những người ấy, không có ông giáo.
Mấy người em dâu và em họ Nhung với lũ trẻ đã ngồi xúm quanh mâm cổ, Phương, em ruột Nhung, đăm đăm nhìn chị đi vào rồi cất tiếng nói:
– Chị tôi lại nhớ anh ấy rồi. Khóc đỏ cả mắt lên thế kia…
Hòa em dâu nàng, tươi cười tiếp theo:
-… và đỏ cả má.
Hòa nói thế là muốn nhắc mọi người để ý đến đôi má đánh phấn hồng rất nhẹ của Nhung. Sau mấy năm, Nhung mới bắt đầu đánh phấn vài hôm nay, nhưng đánh rất ít, cốt không cho ai nhận thấy. Nghe Hòa nói vậy, nàng chột dạ và hơi ngượng, nàng khó chịu vì thấy không một cử chỉ cỏn con nào của mình là không có người để ý đến, nhưng nàng vừa khó chịu, vừa có cái vui nhận thấy trong vẻ mắt các chị em nhìn nàng, cái ý khen phục và thèm muốn nhan sắc của mình. Nàng tưởng như ai cũng muốn nói:
– Trông chị Nhung hãy còn xuân lắm…
Nhung cúi đầu so đũa trong khi các chị em nói chuyện ồn ào. Ai cũng có vẻ mặt vui tươi và cũng sung sướng được dịp hội họp đông đủ. Tuy là ngày giỗ chồng nàng, mà Nhung không thấy ai nhớ đến nữa, chính ngay nàng cũng vậy, gặp ngày giỗ thì nàng theo bổn phận một nàng dâu làm cỗ bàn và cúng lễ cũng như mọi ngày giỗ khác.
Thấy chị em giục, nàng cầm đũa gắp lấy lệ. Tuy đói, nhưng nàng ăn không thấy ngon. Nàng cũng không dựa vào câu chuyện của mọi người bàn về việc nhà cửa, chồng con. Càng những ngày nhà có việc, mọi người về đông đúc, Nhung cảm thấy mình lẻ loi, những lúc ấy, nhân dịp nhà đông không ai để ý đến mình, nàng thường lánh ra một nơi vắng như một người buồn mà cứ thích yên lặng ôm ấp lấy cái buồn của mình không muốn để ai khuyên giải.
Bỗng nàng ngừng đũa lắng tai. Ở phòng bên có người nói đến tên ông giáo. Nhung nghe kỹ thì ra tiếng Thường, bạn của em chồng nàng:
– Sao bây giờ mà không thấy Nghĩa về.
Tiếng một người khác tiếp theo:
– Hay là rớt, sợ xấu hổ không dám về.
Tuy mới là lời dự đoán, nhưng Nhung đã thấy mừng, vì lời dự đoán Nghĩa rất hợp ý mong mỏi ngấm ngầm của nàng. Từ hôm Nghĩa đi thi, nàng lấy làm khó chịu và vẫn thầm trách Nghĩa nghĩ đến sự thi cử để tìm cách rời bỏ nhà này, tuy nàng vẫn biết rằng trách ông giáo như vậy là vô nghĩa lý.
Hòa nghe buồng bên nói chuyện ông giáo chưa về nên bảo Nhung:
– Ông Nghĩa chưa về, nhưng không biết nhà tôi có mời các ông ấy ăn cơm trước không? Ông Nghĩa về ăn cơm sau cũng được.
Nhung thẫn thờ đáp:
– Họ đương ăn bên ấy. Đợi làm gì?
Thấy mọi người nói đến Nghĩa là một cách coi thường, nàng cũng cố làm ra như vậy. Vừa lúc đó Nghĩa đi ngang qua ngoài hiên, Hòa vui vẻ nói:
– Kìa! Ông Nghĩa đã về, vừa nói đến ông ấy xong…
Câu nói tự nhiên của Hòa như diễn hộ Nhung cái mừng thấy Nghĩa về. Nàng thì nàng không thể nào thốt ra được một câu như thế. Nghĩa quay đầu lại và tình cờ nhìn vào chỗ Nhung ngồi.
Nhung thấy cái cảm giác lẻ loi biến đâu mất. Nhìn các chị em ngồi quanh mâm nói chuyện vui vẻ, không nghĩ gì đến cái ý nghĩa của một bữa cỗ giỗ, Nhung không thấy làm lạ nữa, cho là một sự tự nhiên, tự nhiên như cái vui trở lại trong tâm hồn nàng lúc đó, song Nhung vẫn giữ vẻ mặt hơi buồn. Nàng đưa bát cơm lên miệng, nhưng không và vội, lắng tai nghe tiếng nói chuyện ở buồng bên:
– Thế nào, rớt hay đỗ?
Tiếng trả lời nói rất khẽ, Nhung không nghe rõ.
Hòa hỏi Nhung:
– Thế nào, chị tôi ăn đi chứ. Ngồi nghĩ gì vậy…
Thoa, một người chị em bạn nói tiếp:
– Hay lại nghĩ đến anh ấy đấy…
Nhung khó chịu. Nàng muốn quên hẳn người cũ, nhưng một câu nói, một cử chỉ của nàng là một người đàn bà góa đáng kính phục vì không lúc nào không thương tiếc chồng…..
Giọng đọc: Đang Cập Nhật
Bạn muốn gửi Bình luận