Quang.name.VN – Nhằm tiết tháng sáu.
Một buổi chiều, bầu trời sơn màu xanh lét, ngọn gió động lá phất phơ, gây ra cái không khí mát mẻ phi thường, làm cho cây cỏ tốt tươi, mà cũng làm cho con người khỏe khoắn.
Trên khúc lộ Vĩnh Long xuống Trà Vinh ngang qua xóm Mê Phốp, là xóm nhà cửa đông đặc, cách chợ Vũng Liêm chừng ba ngàn thước, người đi đường qua lại dập dìu, lại người trong xóm cũng chòm nhom trên lề, kẻ đứng người ngồi mà hứng mát, nên cảnh xem có vẻ náo nhiệt, mà mặt người nào coi cũng có sắc hân hoan.
Cái không khí mát mẻ khỏe khoắn ấy nó làm cho người ta đã vui vẻ mà lại hăng hái về nẻo lợi đường danh, bởi vậy trong nhà thầy Cai tổng Lê Thái Bình, ở dựa lộ, nhằm chánh giữa xóm Mê Phốp, có tiếng nói om sòm xen lộn với tiếng cười inh ỏi.
Nhà nầy cất đã trên mười lăm năm rồi, ngói bị rong rêu đóng nên trỗ màu đen, tường bị nắng mưa táp hoá ra màu xám; nhưng mà nền đúc thật cao, cửa cuốn bán nguyệt, bên tay mặt có cất một cái lẫm[1] lúa rộng lớn, bên tay trái có cất một cái nhà để xe ngựa, phía sau có cất nhà bếp sạch sẽ, phía trước có dọn một cái sân, trong sắp kiểng mấy hàng, ngoài trồng bông đủ thứ, giữa sân lại có trồng một cây huỳnh mai gốc lớn nhánh nhiều, hễ qua tiết xuân nó đơm bông vàng khè, chung quanh cuộc đất[2] lại có trồng dừa bao vòng, làm cho thêm vẻ trù mật, bởi vậy ai đi ngang ngoài lộ dòm thấy cũng biết đó là chỗ ở của một người giàu có.
Thầy Cai tổng Lê Thái Bình mới bốn mươi tám tuổi vóc trung trung, tướng thanh nhã hồi nhỏ thầy cứ học chữ nho, lớn rồi thầy mới học chữ quốc ngữ, còn chữ Pháp thiệt là thầy không biết. Thầy ngồi tại bộ ghế cẩm lai[3] để giữa nhà, thầy cười ngất mà nói lớn rằng: “Hả, hả, con người ta hễ có thời, thì trời khiến gặp cái may như vậy đó. Hôm trước chú Phùng dưới chợ Vũng Liêm chú lên hỏi mà mua lúa của tôi. Chú trả bốn đồng tám cắc một tạ[4]. Tôi nài năm đồng bạc. Chú nói lỗ chú không dám mua. Bữa nay lúa lên giá tới năm đồng rưởi, coi sướng hôn? Phải mà hôm trước tôi bán thì tôi mất tiền nhiều quá”.
Hương sư Diệu đi theo xã trưởng Phú đến hầu thầy Cai tổng đặng xin phép xuất công kho tu bổ nhà việc[5] làng, ông ngồi cái ghế trường kỷ để đàng chái, ông nghe thầy Cai tổng nói như vậy, thì ông khen rằng:
– Bẩm thầy, sao thầy biết lúa lên giá, thầy trằn[6] lại, thiệt thầy giỏi quá. Hôm lúa lên bốn đồng tám, nhiều người lật đật bán hết, không dám chờ nữa.
– Không phải giỏi. Làm chủ điền, mình phải biết nhắm thời thế chớ.
– Bẩm thầy, không biết lúa của thầy còn được bao nhiêu?
– Còn nhiều mà. Hôm tháng tư tôi bán đỡ vài ngàn giạ mà đóng thuế, còn bao nhiêu tôi vựa hết lại đó, chưa có bán.
– Nếu vậy thì gặp giá nầy thầy có lợi nhiều lắm.
Bà Cai tổng, tên là Lý Thị Ngọc, trạc chừng bốn mươi lăm tuổi, tánh nết ôn hòa, sắc mặt hiền hậu, bà đương ngồi ăn trầu nơi bộ ván phía bên kia, bà xen vô mà nói rằng: “hôm tháng tư thầy nó lật đật bán hai ngàn giạ lúa, giá có bốn đồng bạc, thiệt uổng quá. Theo giá bây giờ, mất lợi gần một ngàn đồng bạc “.
Thầy Cai tổng cười ngất mà đáp rằng:
– Bà nó tiếc làm chi. Mình làm lớn, mình phải làm gương cho dân sự trong tổng bắt chước chớ. Mình lỗ một hai ngàn đồng mình cũng phải bóp bụng mà chịu, chớ mình trằn lại, mình không đóng, điền chủ khác họ phân bì họ không đóng, rồi cái làng có thuế đâu mà đăng kho.
– Từ ngày thầy nó ra làm quan tới giờ, tôi coi việc nào cũng bị thiệt hại hết thảy. Chớ chi thầy nó đừng có làm tổng thì bây giờ làm giàu biết bao nhiêu.
– Nói như bà nó vậy sao được. Ở đời phải có chút công danh với người ta chớ. Giàu mà đi đến đâu thiên hạ họ khinh khi, thì giàu làm gì.
– Tôi tưởng ở đời hễ vô sự thì vô lự, tranh đua lắm càng mệt trí, chớ không ích gì.
– Ở thế gian, ai cũng vậy, không ham danh thì cũng ham lợi; nếu không ham thứ nào hết, thôi thì đi tu cho rồi, chớ ở thế gian sao được.
– Danh lợi ai mà không ham, tiếc vì cầu danh mà phải tốn hao nhiều quá, tôi mới nói chớ.
– Muốn có danh với người ta thì phải tốn hao chút đỉnh chớ sao.
– Danh cũng có nhiều thứ. Có thứ danh khỏi phải tốn hao gì hết.
– Danh gì vậy? Phải danh hà tiện hay không?
– Mình lấy nhơn nghĩa mình đối đãi với mọi người, tự nhiên thiên hạ họ kính trọng mình, cần gì phải cầu cái danh nào khác.
– Nhơn nghĩa thì tự nhiên mình phải làm chớ sao. Mà mình làm nhơn nghĩa thì bất quá người ta khen mình là người tử tế, chớ có ai kính phục. Làm người phải có phẩm cao tước lớn mới có danh chớ.
– Tại thầy nó hiểu cái danh như vậy đó nên thuở nay mới tốn hao không biết mấy muôn mà kể! Thiên hạ họ bẩm dạ mà có ích gì? Họ làm bộ trước mặt, rồi sau lưng họ khinh khi mình có hay đâu. Theo ý tôi cái danh người biết nhơn nghĩa đó là quí rồi, đòi danh cao chức lớn hao tốn quá chẳng ích gì.
Hương sư Diêu thấy vợ chồng thầy Cai tổng không đồng ý kiến, sợ để hai ông bà cãi lẽ dài rồi sanh mích lòng, nên ông xen vô mà hỏi rằng:
– Bẩm thầy, bữa nay lúa lên giá như vậy đó, không biết thầy nhứt định bán hay chưa?
– Để rồi tính lại coi. Nếu bán, sợ trong vài bữa giá lên cao hơn nữa, thì tức.
– Bẩm, giá năm đồng rưởi cũng là cao quá rồi.
Thầy Cai tổng ngồi suy nghĩ một hồi rồi day qua hỏi vợ rằng:
– Bà nó muốn bán hay chưa? Như muốn bán thì biểu bày trẻ đạp xe máy xuống chành[7] Vũng Liêm kêu nó lên mà tính giá cả.
– Thầy nó nhứt định lấy chớ?
– Bà nó tính coi lúa mình còn được hết thảy là bao nhiêu hay không?
– Con Ba nó có biên sổ, để hỏi nó coi, chớ tôi có nhớ đâu. Ba à, con ra đây cho thầy con hỏi một chút, con.
Nghe có tiếng dạ rất dịu dàng ở phía trong, rồi một người mỹ nữ, chừng mười tám mười chín tuổi, thủng thẳng bước ra, mình mặc một bộ đồ lụa trắng, chơn mang một đôi dép da đen, môi đỏ như thoa son, da trắng như giồi phấn, mặt sáng rỡ như hoa nở, tóc láng mướt như huyền giồi[8]. Ấy là cô Túy Nga, con gái của thầy Cai tổng Bình.
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Giọng đọc: Nam Phong – Phượng Dung
Bạn muốn gửi Bình luận