
Quang.name.Vn – Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư. Bút danh Khái Hưng được hình thành khi ông dùng phép đảo chữ để sắp xếp lại các chữ cái trong tên thật Khánh Giư.
Là một trong những cây bút chính của nhóm, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng Hồn bướm mơ tiên (1933) là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Giống như các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn khác, tác phẩm của Khái Hưng thường đề cao tình yêu tự do, chống lại các lễ giáo phong kiến, ít nhiều mang tính cải cách xã hội. Mời các bạn nghe đọc tiểu thuyết Đời mưa gió.
♥ ♥ ♥ ♥ ♥
Nhà bà phủ về, tuy đêm đã khuya, Chương còn để đèn điện, chưa đi ngủ.
Chàng đưa mắt nhìn ngắm gian phòng, cảm thấy sự lạnh lẽo của đời mình.
Ra hiên gác tựa lan can, chàng ngước nhìn trời.
Trời đầy sao lấp lánh tia vàng, đuôi chòm Bắc đẩu đã quay quá nửa vòng.
Mặt đường nhựa phản chiếu ánh đèn điện thành từng vệt sáng dài. Không một chiếc xe qua.
Cảnh ban đêm hoàn toàn yên lặng, trái ngược với cảnh rạo rực của tâm hồn Chương. Tâm hồn Chương buổi chiều còn bình tĩnh như hồ nước im phẳng, trong vắt như da trời xanh không vẩn một gợn mây, bỗng trở nên hỗn loạn như mặt biển đầy sóng gió.
Là vì ban nãy chàng đánh tổ tôm bên bà phủ, hình ảnh cô Thu, một cô gái đến thì, mơn mởn như bông hoa xuân đượm hạt móc, đã in sâu vào khối óc chàng tư tưởng êm đềm của một gia đình êm ấm.

Bỗng chàng rùng mình, thốt nhớ tới một quãng đời qua.
Bốn năm trước, một cô thiếu nữ xinh đẹp. Cô Loan! Thu với Loan không biết có ý nghĩa gì nối liền với nhau, không biết vì sự liên tưởng chi mà vừa thoạt nghĩ tới cô Thu, Chương nhớ ngay đến cô Loan.
Chương buông một tiếng thở dài … Phải, năm ấy Loan cũng vào trạc tuổi Thu ngày nay, có phần còn trẻ hơn. Loan cũng xinh tươi, cũng yểu điệu dịu dàng. Trong một năm Chương mơ mộng, Chương ao ước, Chương bài trí ra những cảnh tương lai tốt đẹp.
Rồi một buổi chiều … Buổi chiều hôm ấy, Chương còn bao giờ quên được? …
Chương buồn rầu đến báo tin hỏng thi với người vợ chưa cưới, tưởng sẽ được nàng an ủi khuyến khích, sẽ được nàng đem lời âu yếm vỗ về.
Nhưng trời ơi! Trái hẳn, Chương chỉ gặp vẻ mặt lạnh đạm của ông bố và dáng điệu khinh bỉ của bà mẹ. Nhất, câu nói rất có lý của bà ta, thì luôn luôn, mãi mãi còn văng vẳng bên tai chàng:
“Người lấy con tôi phải là người có nghề nghiệp, căn bản”.
Chương phẫn chí về học, bỏ hết tính mơ mộng, vì chàng nhận ra sự mơ mộng về tình ái đã làm cho chàng thất bại về đường học vấn, thi cử.
(…)
Giọng đọc: Đang Cập Nhật
Nguồn:Sưu tầm từ Enternet
Bạn muốn gửi Bình luận