Home Tiểu thuyết audio Tỉnh mộng – Hồ Biểu Chánh

Tỉnh mộng – Hồ Biểu Chánh

138
0

Quang.name.VN – Dọc theo mé sông từ Tân-An qua Mỹ-Tho, nhà cất liên tiếp, cây trồng giao nhành, người lạ ngồi thuyền đi qua đó ai cũng khen là chỗ dân cư trù mật. Cách ít năm trước, ở chợ Tân-An, do theo quan lộ đi dựa mé sông ấy, vô chừng vài ngàn thước thì thấy có một tòa nhà ngói cũ ba căn hai chái, nền đúc, cửa cuốn, vách gạch, cột gõ. Nhà cất day cửa xuống mé sông, trước cửa kiểng vật đủ thứ: nào là vạn-niên-tùng, nào là bá-trắc-diệp, nào là bùm-sụm, nào là càng-thăng, nào là thủy-tiên, nào là kim-quít. Hai bên đường vô cửa lại có mấy bồn bông lan, bông huệ, vạn-thọ, mồng-gà, đinh lăn, sao-nháy. Bên chái trên có mấy nọc trầu vàng sum-sê, gió thổi lá đòng đưa khoe màu tươi mướt.

Link dự phòng

 Phía chái trên có chuồng bồ-câu sơn đỏ, mà vì mưa sa nắng táp làm phai lợt màu son. Ở sau nhà lớn thì có một cái nhà ngói nhỏ ba căn song để chứa đồ và nấu nướng. Còn từ đó ra phía sau nữa thì là một khoảnh vườn lớn gần nửa mẫu, chung-quanh trồng mấy hàng dừa, cây cong-vòng, cây suông đuột, buồng sai, tàu xụ, xem rất u-nhàn. Trong vườn thì xẻ mương nhỏ cái dọc, cái ngang, rồi trên mấy liếp trồng chuối lộn với cau, chuối nhảy con bùm-sùm, cau ngay hàng thẳng rẳng.
Nhà nầy nhà của quan Phủ Phan-hữu-Tiền. Quan Phủ qua đời đã hơn 6 năm rồi, không có con trai, để lại một đứa con gái, năm nay đã 19 tuổi, tên là Phan-yến-Tuyết, mà người ta thường kêu là cô hai Tuyết, ở hủ hỉ với bà Phủ. Quan Phủ Tiền là người gốc-gác ở Bà-rịa nhưng mà lúc ngài còn sanh tiền, ngài giúp việc cho nhà nước có ở nhiều tỉnh và tới chỗ nào ngài cũng ở lâu năm, nên ngài coi mấy chỗ ấy như quê quán của ngài, bởi vậy ít ai biết chắc ngài sinh trưởng tại xứ nào. Lúc ngài già yếu ngài nghĩ nhà không có con trai, có nuôi một đứa cháu kêu bà Phủ bằng dì, cho đi học đã thành thân rồi, không cần phải lao tâm nhọc trí chi nữa, nên ngài xin hồi hưu rồi mua khoảnh vườn nầy cất nhà mà ở đặng an hưởng thanh nhàn.
Từ ngày quan Phủ qua đời, thì bà Phủ vào ra quạnh-quẽ, buồn lòng xót dạ nên không lo dọn dẹp nhà cửa cho lắm. Ngoài ngõ tuy có bắc thêm một cái cầu thang để xuống sông cho dễ, song kiểng vật không ai uốn nhành cắt lá, nên cây lên tự nhiên coi không đẹp như xưa. Trong nhà thì ghế bàn tủ ván đóng cây đã tốt, mà kiểu cũng lanh, song ít hay lau chùi nên coi không còn nước bóng.
Bà Phủ không giàu, mà quan Phủ qua đời rồi, bà tom góp tiền bạc mua được một sở ruộng ở Kỳ-Sơn huê lợi mỗi năm góp được một ngàn giạ, nhập với huê-lợi cây trái trong vườn được vài trăm đồng bạc nữa, thì mẹ con ăn xài không hết.
Tiết tháng chạp, trời chiều mát mẻ, sông nước dẫy đầy. Cô hai Tuyết ăn cơm rồi mới lần bước ra ngoài cầu thang ngồi mà hứng gió. Cô mặc một cái áo bà-ba lục-soạn trắng, mới giặt ủi nên lằn xếp còn ràng-ràng; mặc một cái quần lãnh đen tuy cũ song láng mướt coi cũng như quần mới. Dưới chân có mang một đôi dép quai đen, mà trên quai lại có kết bông màu hường. Cô là một người con gái vóc vừa vừa không lớn mà cũng không nhỏ, không mập lung mà cũng không ốm quá; đã vậy mà cô nhỏ xương nên tướng đi yểu điệu; thuở nay cô thêu thùa may vá, hoặc viết thơ, hoặc đọc sách mà thôi, chớ không nấu nướng, không làm công việc trong nhà, không dang nắng, không dầm mưa, nên nước da cô trắng đỏ mà lại trong bóng. Cô không gỡ đầu nên tóc xấp xải hai bên bàn tang, mà có nhiều sợi gió thổi ngã xuống tới gò má, làm cho cô một lát phải lấy tay mà vuốt lên, lòi cái mặt sáng rỡ, lại thêm đôi bông hột xoàn chiếu ánh sáng mặt trời chiều chớp nhoáng hai bên trái tai. Mỗi lần cô vuốt tóc thì thấy mấy ngón tay cô nhỏ mà lại dài, còn bàn tay dịu nhiễu, cườm tay no tròn, chiếc đồng bánh ú đeo khít-rịt. Cô mặc áo không có bâu, nên bày trọn cái cổ trắng trong, lại có sợi dây chuyền nhỏ vòng theo coi thiệt là đẹp. Cô đứng trên cầu mà ngó bầy cá lòng-tong ăn bọt nước, gió thổi ống quần phất-phơ lòi hai bàn chân ra ngón nhỏ xíu, gót đỏ lòm, trên bàn chân thịt vung líp luôn tới mắt cá.
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Giọng đọc: Thổ Ty, Minh Nguyệt, Trần Anh, Chân Như và Nam Anh

Thu Gọn Nội Dung

Bạn muốn gửi Bình luận

Loading Facebook Comments ...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here