Quang.name.Vn – Các bạn đang nghe chuyên mục đọc Truyện Đêm Khuya, tác phẩm Nỗi đau đớn ngọt ngào. Một chương trình đã rất quen thuộc với nhiều bạn hiện nay. Với hàng nghìn câu chuyện được sưu tầm và được cập nhật hàng ngày, chúng tôi tin tưởng rằng website sẽ là một món ăn tinh thần bổ ích cho các bạn . Hi vọng những câu chuyện thú vị và đầy lôi cuốn sẽ giúp bạn thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. Hãy lắng nghe và cảm nhận. Chúc bạn có những giây phút thú vị trên Website giải trí tổng hợp Quang.name.Vn…!
Đọc xong những dòng tin nhắn, tôi ngồi lặng đi một lúc lâu nghĩ tới Điền và đứa cháu dâu đang trên đường về Trảng Rau xa lơ xa lắc… Khác hơn tâm trạng một đứa bé ngồi xuồng ba lá tiễn chị về nhà chồng thủa xa… mắt tôi cay xè, và tim tôi quặn lên, đau thắt…
1. Một hồi chuông điện thoại giữa trưa rung lên trên mắc áo. Tôi chậm mất mấy giây. “Phải cậu Út đó không? Cháu tên Bến, Bến Xẻo Quao, vợ anh Điền Co Xáng đây! Anh Điền bịnh nặng, nhập viện. Hai cháu hết tiền ăn !…”. Tôi vừa ngạc nhiên vừa nghe nao nao trong dạ, chưa kịp hỏi, Bến tiếp, giọng gấp gảy, ấp úng: “Anh Điền nằm khoa tim mạch, dãy cuối bịnh viện mới. Từng 2. Giường số 6. Phòng 20. Cháu đón cậu dưới từng trệt…”.
Tôi vội vã tới bệnh viện lớn nhất của thành phố cuối nước này, buổi chiều, chưa tới giờ cho phép người nhà vào thăm nuôi bệnh nhân. Từ xa, tôi đã trông thấy một cô gái đứng lóng nga lóng ngóng nơi chân cầu thang. Dáng cao, thon thả, tóc kẹp đuôi chồn, cô gái nhìn tôi một thoáng, quả quyết: “ Thưa cậu Út! Cậu Út theo con lên chỗ anh Điền. Lầu 2. Phòng 20…”. Bến dạn dĩnh, nhanh nhẩu lên tiếng khiến tôi mạnh dạn bước theo sau đứa cháu dâu lạ huơ lạ hoắc lên tầng 2, qua dãy hành lang chật chội người ngồi, người nằm.
Phòng ốc quá tải, Điền Co Xáng may mắn được nằm ngửa người, thẳng tay thẳng chân trên giường. Áo sơ-mi kẻ sọc đen xanh. Quần đùi lỡ dài lỡ ngắn với nhiều ngăn túi phơi ra đôi chân sưng vù, đến mười ngón chân chai sần vểnh lên, sưng húp. Gương mặt chữ điền tái nhợt. Môi mấp máy. Hồi lâu sau, Điền vẫn chưa nhận ra tôi. Khi đó, dường như đoán được tâm trạng của cậu Út, Bến đứng loay hoay phía bên kia mép giường, tay lục lọi trong chiếc áo gối lôi ra xấp giấy tờ chìa ngang cho tôi, nói: “Ảnh bịnh lâu rồi cậu, hồi chưa gặp con lận. Bịnh không trị để ngâm lâu quá nay phát ra tá lả. So với hôm mới nhập viện, vậy là ảnh đỡ nhiều rồi cậu”.
Mắt tôi hoa lên trước những tờ giấy mỏng dính, nhiều màu: “ Tràn dịch phổi. Xơ gan. Suy tim độ 3…”
2 – Mười ngày có hơn, không ai ngoài đứa cháu dâu lạ huơ lạ hoắc túc trực chăm sóc Điền tại bệnh viện. Thỉnh thoảng vài ba hôm, con Nhẫn – chị Điền, thằng Nhịn – anh kế của Điền tới thăm em, cho tiền, gởi lại ít thức ăn rồi vội vội, vàng vàng về Trảng Rau vì ai cũng bận việc nhà. Còn chị Sáu tôi, đành vậy. Chứng bệnh huyết áp cao không cho phép chị ngồi tàu xe lên tới huyện, tới tỉnh.
Điền mồ côi cha từ tấm bé. Lúc anh rể thứ Sáu tôi – anh Tư Sự – còn sống, đêm đêm thằng Điền ngồi xuồng un muỗi cho cha cắm câu. Vốn sát cá, thêm món mồi trùng nước tẩm thuốc bắc tự chế thơm phưng phức đố ai cạy cục được, Tư Sự nổi tiếng giăng câu trê trong vùng.
Người to ngang, vạm vỡ, rượu lấp đầu gối suốt ngày nhưng Tư Sự chừa được khoản rượu ban đêm để cắm câu trê. Đêm đến, Tư Sự với thằng Điền ngồi xuồng be tám luồng lách trong những giề rau muống, rau ngổ, lục bình, về nhà ngủ một giấc, sáng ra gỡ gần đầy giỏ cá trê ngồi tréo nguẩy chờ mấy tay lái cá đến tận nhà cân tính tiền.
Mải mê loài cá trê đầy ắp trên đồng, tới giữa mùa hè đỏ lửa năm 72, Tư Sự bị bắt tra tấn đến chết vì bọn giặc gán cho Tư Sự tội làm giao liên cho “Việt Cộng” giả vờ một mình một xuồng thả đi cắm câu tới hậu Lung Xã Tiểu, gần quận lỵ Rạch Ráng. Lúc bấy giờ gia đình Tư Sự đông anh em, đất đai chia chác cho trên mười nhân khẩu, phần Tư Sự để lại cho chị tôi và mấy cháu nhỏ khoảnh đất chó nằm ló đuôi giữa trảng trấp biệt mù san dã.
Nhiều dịp về Trảng Rau thăm chị và các cháu, dường như lần nào tôi cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại một lần đưa tiễn chị tay xách tay gói về nhà chồng. Hồi ấy, một đứa bé mới lên chín mười tuổi như tôi hăm hở, sung sướng biết dường nào khi được ngồi bên cạnh mẹ trên chiếc xuồng ba lá bung khơi trên đồng, men theo kinh rạch chằng chịt vào gần tới mé rừng U Minh Hạ…Đó là lúc đi. Còn chuyến về, chao ơi, dòm ngoái lại trông chỗ chị tôi toàn bóng cây tràm nằm nước, xa quá! Xa đến đỗi một người đàn bà bạn mẹ tôi ngồi trên xuồng thốt lên: “ Mèn đéc ơi, chị Tư gả con chi xa dữ vậy, trời!?”. Mẹ tôi ngồi buồn hiu, không đáp. Tôi khóc mùi …
3 – Tôi đoán không sai, gia cảnh chị tôi giục thằng Điền sớm rời bỏ Trảng Rau tìm nơi lập nghiệp. Con Nhẫn lấy chồng ra riêng, Điền nắm lấy anh Ba Nhịn. “Tui phân công ông ở nhà nuôi mẹ. Có chút đất ông cứ xài. Tôi đi! Thằng Điền không còn nhỏ nhiếc gì nữa đâu, đừng lo!”. Nghe vậy, thằng Nhịn làm rớt khỏi tay mấy lọn rau muống, nói: “Hột muối cắn chia hai nghe mậy. Ở đây rau muống thiếu cha, tha hồ nuôi heo mua gạo ăn sướng gần chết còn đi đâu nữa, mậy?”…
Thằng Điền bỏ ngoài tai lời Ba Nhịn, khư khư gom mấy bộ quần áo cũ, chiếc khăn choàng tắm dồn chưa đầy chiếc ba-lô con cóc lẻn cửa sau ra khỏi nhà lúc chị Sáu và thằng Nhịn hí húi cắt rau muống sau ruộng. Giống hao hao tính Tư Sự làm ăn chí chết, xong việc nằm vật ra ngủ li bì, chưa kể rượu chè lấp đầu gối. Anh rể tôi còn chừa khoản rượu đêm để cắm câu, ngược lại, thằng Điền nhậu lu bù tận. Nhậu hũ chìm. Bảy năm nhận khoán 7 ha đất vừa cấy lúa vừa trồng tràm của Lâm trường 3 U Minh Hạ, Điền không cất nổi gian nhà lá để ở…
Nhận được bức thư của Điền tự xưng danh “Điền Co Xáng”, hai chị em Nhẫn, Nhịn đổ đường vào tận Lâm trường 3 U Minh Hạ nằm gần Co Xáng, gặp Điền.
Té ra, Điền làm lụng đầu tắt mặt tối nhưng không có của ăn của để do nhiều khoản nợ hiện lên trong mấy tập vở học trò bị hai chị em Nhẫn, Nhịn phát hiện. Nợ phân, nợ giống, nợ mướn nhân công… ghi riêng. Nợ lặt vặt chất chồng nhiều tập vở học trò: Ngày, tháng, năm: 1 góc tư thuốc gò. 5.000 tiền me. 2 lít rượu. 1 thùng mì ăn liền (trả tiền mặt). Ngày, tháng, năm: Góc tư thuốc gò. Rượu 5 lít. 10.000 tiền me. Mua gởi cho mẹ cái khăn bàng, cái áo ấm. Sắm cho chị Nhẫn bộ đồ. Cho anh Nhịn chiếc đồng hồ đeo tay (trả bằng lúa vụ hè thu). Ngày, tháng, năm: Chia 2 ký thịt kỳ đà của Si-Phon. 2 kg thịt heo rừng của Tài Em. Sắm cho Tư Chờ sợi dây chuyền vàng 3 chỉ + thuốc uống, thuốc chích. 1 thùng mì ăn liền. Vay 5 triệu đồng mua phân bón, mướn cày, mướn nhân công, lãi suất 10% … (trả bằng lúa vụ 2 – Quán Minh Nhí – Co Xáng)…
Đọc chưa hết sổ ghi nợ, hai gương mặt buồn rười rượi, lo âu như tan vào màn sương còn vương lại sau cánh rừng tràm buổi sáng. Hai Nhẫn tinh ý hơn Ba Nhịn: Rượu, thịt, thuốc gò, thuốc thơm để ăn, để nhậu, để hút. Me để nấu canh chua với đầu cá lóc mọc râu. Còn Tư Chờ là ai hiện lên trong sổ ghi nợ này? Nhẫn không vội về nhà, theo thằng Nhịn về thẳng Trảng Rau báo cáo việc này với mẹ.
Lạ kia, chị tôi tỉnh rụi, cười hiền: “Nếu gộp thêm chuyện dây mơ rễ má Tư Chờ âu cũng là chuyện thường thôi trong đời người, con ạ. Sợ thằng Điền hư hỏng ngả khác. Ở đó còn có tập thể anh em Lâm trường, còn người kháng chiến cũ. Không sao đâu, con!… ”. Chị an phận, dửng dưng trước cảnh thằng Điền mắc nợ lút đầu nhưng được bù lại bằng một người bạn đời có tên trong mấy quyển sổ ghi nợ: Tư Chờ !
Điền 43. Tư Chờ 56 tuổi. Chênh lệch xa về tuổi tác nhưng tạm thời cuộc sống gia đình giữa chàng trai chưa vợ và người đàn bá góa chồng có hai con hòa thuận, hạnh phúc. Nếu so sánh về sắc diện, tuy gương mặt bị chút rỗ hoa mè nhưng Tư Chờ có được nước da trắng trẻo, ngực còn đầy đặn, no mông, đít trái quít, vượt trội cánh đàn bà vào Lâm trường 3 chở cây chở củi. Trong lúc hai con, một trai, một gái ổn định công ăn việc làm ở khu công nghiệp Bình Dương, Tư Chờ xin được việc làm cấp dưỡng cho Đội khai thác rừng. Tư Chờ lấy làm toại nguyện vì Tư Chờ là vợ lính ngụy bị tử trận tại Cây Khô lại được đối xử tử tế, công bằng. Chưa kể Tư Chờ còn được gặp người bạn đời trẻ trung chính là Điền Co Xáng.
Để cột được chân Điền, Tư Chờ biết chạy vạy nửa xin nửa mua cây lá dựng lên túp lều để ở. Rồi không lâu, túp lều có thêm một con chó tơ kháo khỉnh với bộ lông đen tuyền và hai vành tai to thường vểnh lên nghe ngóng; con chó bị lạc đàn vướng vít trong lùm dây choại bịt khù được Điền Co Xáng túm lấy mang về nuôi. Bích La (tên con chó tơ) được cả hai người chủ túp lều đặt để mau lớn ngó thấy. Không đầy một năm, Bích La đã mươi mười lần lập công với chủ, dẫn dắt thân chủ say xỉn quắc cần câu băng rừng đêm tối mịch về tới lều an toàn.
“ Điền ơi, Điền! Điền bớt đi nhậu ban đêm ban hôm, nghe…Tư sợ ma! Nghe nói chỗ cây Tràm Lẻ có con ma lai rút ruột đó nghe. Điền nhớ nghe!…”. Giọng Tư Chờ nghe ấm dịu, truyền cảm khiến Điền Co Xáng có nhiều lúc xiêu lòng. Giảm rượu dần và Điền còn biết vịn cớ Năm y tế Lâm trường 3 cấm không cho Điền uống rượu vì lý do sức khỏe để từ chối vài cuộc tiệc với món mồi bén nhà Tài Em, Minh Nhí, Si – Phon ở xa. Nhưng còn chỗ gần, khổ quá, Điền chưa chừa được những bữa rượu tay đôi vừa được xem bóng đá trong chiếc ti – vi màu do Chánh Điếc bày ra dưới tàn cây Tràm Lẻ – cây thích đứng cõi riêng, chối bỏ thói nương náu của loài chùm gởi – chỉ có con Bích La mới đánh hơi biết thân chủ đang say xỉn nơi này.
Lần sau cùng, nếu không có con Bích La trờ tới gốc cây Tràm Lẻ dúi mũi khậc khậc lên mấy tiếng xốc Điền với Chánh Điếc tỉnh dậy, còn lâu, Điền Co Xáng mới bị giật mình lật đật mang mấy sợi dây dù giăng võng về thay hai đầu dây cũ mèm, giúp vợ. Chính chiếc võng chết tiệt này ám ảnh Điền Co Xáng suốt đời: Tư Chờ không bị té võng vì chiếc võng được Điền thay dây mới, dây đôi; Tư Chờ tự nhiên bị đột quỵ, tay chân co quắp chết nhẹ hơ trên cánh võng từ lúc nào chỉ có trời với con Bích La mới biết!
Con Bích La hoảng hốt, tru tréo từng hồi dài… Còn Điền, sau khi trả nợ phân nợ giống, nếu đi thẳng một mạch về lều, chuyện không may có thể theo hướng khác. Đằng này, một đám cháy rừng chặn đứng bước đi của Điền…
Với lớp phân dớn lu niên, dày cộm, rừng tràm bắt lửa phải biết. Điều động những chiếc máy bơm nước vào tới đây dứt khoát không kịp nữa rồi. Muốn dập tắt những ngọn lửa, tốt nhất phải nhờ vào sức dân đào hào bao chung quanh điểm phát lửa. Chữa cháy là nghĩa vụ thiêng liêng và trở thành thói quen của nhiều người sinh sống trên vùng đất này. Điền Co Xáng quơ đâu được cây dá rồi xăng xốm biến mất trong đám người cắm cúi đào hào mà phần đông là bạn nhậu, có cả Tài Em giữ cống xổ nước, Si- Phon trông coi tháp canh lửa, chủ quán Tràm Lẻ Chánh Điếc…
Dập tắt được ngọn lửa, Điền Co Xáng về tới túp lều thì Tư Chờ đã về cõi vĩnh hằng. Muộn mất…
4 – Hai năm trôi qua… Túp lều cũ xiêu vẹo, phất phơ những tàu lá dừa nước sút sổ. Những vệt nắng, những giọt mưa xuyên thẳng vào phía bên trong lều. Lối ra rừng vẫn những thân tràm già cỗi giao ngọn rợp bóng mát. Đầu mùa sa mưa, những đọt choại non màu cánh kiến thon dài, những cọng dây dớn hình chiếc lược tua tủa đan xen loài chùm gởi sáng lên lấp loáng, trải dài, u u, minh minh…
Sống thui thủi một mình, Điền biết chuyện đầu trên xóm dưới, chuyện ngoài đời nhờ vào chiếc điện thoại Nokia cũ kỹ của Tư Chờ để lại. Một hôm, đang ngồi đu đưa trên võng, Điền nhận được cú điện thoại lạ: “Anh Tư có khỏe không vậy? Bến xin được làm quen với anh Tư. Bến Xẻo Quao, thị tứ Sông Ông Đốc…”. Điền chưa vội đáp. Lát lâu sau Điền mới nói ấp a ấp úng được mấy câu. Máy tắt. Người Điền nhẹ hẫng, mải miết nhìn thảm lá non màu cánh kiến nơi con Bích La oằn mình dùng hai chân trước cào cào trên lớp phân dớn, chốc chốc rống cổ rống họng sủa vang một góc rừng.
Sau cú điện thoại lạ, Điền thường bị tăng thêm khoản rượu phạt. Mà không bị phạt làm sao được vì, đang ngồi nhậu, Điền lật đật bỏ ra ngoài nghe điện thoại, phạt; giả vờ say rượu nằm lì trên võng bấm bấm nhắn tin, phạt; lẻn ra rừng đứng dưới giàn dây nắp nước nói chuyện điện thoại gần nửa tiếng đồng hồ, lại bị phạt!
Chiếc Nokia rung lên trong túi áo Điền. Số quen. “Nhẫn đây. Chế Hai Nhẫn đây. Con Bến ở Xẻo Quao – Sông Đốc sáng nay đi tìm cậu đó nghe. Nói thiệt. Cậu nhớ mở máy nghe…”. Thêm một lần nữa, Điền rối tung rối mù chỉ vì chiếc điện thoại.
Thì ra, chị Nhẫn âm thầm làm mai mối gá Bến cho thằng em trai đang sống độc thân. Chồng chết do ra khơi đánh cá gặp phải cơn bão số 5 năm 97 ập tới cửa sông Ông Đốc, chưa có con, Bến sống thui thủi bằng nghề chèo đò đưa rước khách từ vàm Xẻo Quao qua thị tứ Sông Ông Đốc. Vài lần đi chung đò với Hai Nhẫn ra chợ Cà Mau, thêm ba lần nhậu chung rồi kết thành bạn nhậu, Hai Nhẫn lót tay Bến một mảnh giấy trắng ghi rành rành số điện thoại của thằng em trai – Điền Co Xáng!
Chiếc Nokia lại rung lên… Số quen. “Tôi nghe đây…”. Điền nói. Một giọng đàn bà thảng thốt dội lên vừa đủ cho Điền nghe: “Em tới chỗ anh rồi… Cầu Co Xáng. Đúng là cây cầu có hai cùi chỏ hai bên dốc giống hịch như anh tả!”. Điền rùng mình chợt nhớ ra bao nhiêu lần mình hứa đón Bến tại cầu Co Xáng qua điện thoại, Điền đáp: “Đúng rồi! Tới nữa. Không rẽ trái xuống Đá Bạc, nghe. Đi thẳng lộ đất qua ba cầu khỉ, đến ngã tư, rẽ phải, qua Vũng cá cạn, qua con Kinh Chống Mỹ, qua Lung Rắn, tới xóm Tràm Lẻ gặp quán… Điền đợi Bến tại đây!”.
Bến đi mình không. Không túi xách. Không khăn. Không nón. Bến tới quán Tràm Lẻ, mặt trời chiều đã rớt xuống ngang đọt tràm. Quần áo xốc xếch. Mồ hôi tươm ướt trán, ướt lưng. Mái tóc kẹp đuôi chồn kéo ngược ra phía trước ngực. Gặp được Điền, Bến mừng rơi nước mắt…
Khác hẳn Chánh Điếc niềm nở thếch đãi khách bằng chầu nhậu với món cá trê nọng nướng chắm nước mắm gừng, đọt choại luộc chắm mắm kho, ong mật non chiên giòn cặp với rau rừng… con Bích La ngơ ngơ, ngác ngác, chốc chốc chúi mũi khậc khậc chung quanh hai bàn chân thô ráp, chai sạm bê bếch sình bùn của khách rồi ngoe nguẩy đuôi biến mất trong bụi rậm.
Tan tiệc. Con Bích La ngủ lại quán Tràm Lẻ vì thân chủ có say xỉn đâu mà đưa với dẫn? Điền một mình mặc sức tiếp khách. Trên hai năm không nếm mùi đàn bà, lại là một người đàn bà có thân người mềm mại, uyển chuyển như Tư Chờ, Điền trẻ trung, sung mãn. Khi đó, Bến ở không trên mười năm không chịu đi bước nữa biến thành của lạ. Bỗng chốc, túp chòi chuyển động răn rắc, chao nghiêng ngả và chìm sâu trong cơn mưa giông đầu mùa…
Ba ngày. Điền với Bến chung sống vỏn vẹn chỉ ba ngày! Qua ngày thứ tư, Điền đổ bệnh. Vàng da. Đôi tay, đôi chân sưng tấy. Người héo xèo, đi đứng liêu xiêu… Được tin không vui, theo lời đề nghị của Năm y tế Lâm trường 3 và chị Sáu tôi, Bến đưa Điền Co Xáng về bệnh viện huyện điều trị tiện cho người nhà lui tới thăm nuôi. Vợ chồng Hai Nhẫn, Ba Nhịn (lúc này Nhịn đã có vợ có con) đều xuất hiện kịp lúc nhưng chạy lo dàn ngoài. Nhiều bà con xóm Trảng Rau, có cả dân Co Xáng lần lượt tới thăm, lại về. Túc trực bên Điền vẫn một mình Bến Xẻo Quao.
Càng bệnh nhiều, Điền Co Xáng trở tính, trở nết, cáu gắt vô lý và hay bị ám ảnh người tình cũ. Lần cáu gắt thứ nhất: “Ngứa, đau chỗ này, bà gãi chỗ kia. Nực thấy mụ nội, bà đi đâu không quạt giùm ?”. Điền nói gắt. Bến tròn mắt ngạc nhiên nhắc chồng anh nói vậy là nói sao? Em đây mà. Em là vợ của anh đây mà. Ừa, quạt thì quạt… Bến Xẻo Quao miệng nói, tay tới. Quạt… Bến ngồi chầu chực bên cạnh Điền Co Xáng ban đêm lẫn ban ngày… Cho tới khi Điền Co Xáng được tạm đưa về nhà ở Trảng Rau điều trị, nhiều việc chăm sóc bệnh nhân của Bến mới được người nhà san sẻ.
Lần cáu gắt thứ hai: “Bà nhốt con Bích La ở đâu? Con Mực đi đâu tới nay chưa về nhà? Bà khai thiệt đi. Bà nói đi… Con Bích La???…”. Điền Co Xáng lên cơn giận dữ. Bến giật mình, hốt hoảng: “Được tin rồi… Anh Chánh Điếc điện cho hay: Chòi bị sập nhưng con Bích La còn sống nhăng, nó đang ở nhờ quán Tràm Lẻ. Anh đừng lo…”. Bến phân bua. Điền ngồi gượng dậy, gắt: “Đội khai thác có đến trăm người quen mà bà không gởi, bà đi gởi trứng cho ác, bà biết không?”. Điền tiếp: “ Cha Chánh Điếc ăn thịt chó như quỷ… ”. Điền dừng vì những cơn đau thắt… Sau những cơn đau, người hơi khỏe ra, bóng dáng người tình cũ, kể cả những tô mì ăn liền do tay Tư Chờ nêm nếm gia vị thơm lừng, khói lên nghi ngút ám ảnh khiến Điền nhớ cánh rừng tràm cồn cào gan ruột. Nhớ tới loài dây nắp nước xanh rập rờn với những trái xanh như cái tách dựng ngửa hứng nước giữa trời; tách đầy nước, nắp tách tự nhiên khép lại… Nhớ. Cái gì cũng nhớ…
Lần thứ ba, Điền Co Xáng lên cơn cáu gắt: “Bây giờ bà sung sướng hơn người ta hồi trước nhiều (ý nói Bến), khỏi chạy gạo, khỏi đi rừng gùi dây choại, mật ong, vác cây, vác củi… Không đợi hết bịnh đâu nghe, tôi xử bà…”. Điền Co Xáng gượng đứng dậy. Bóng Điền liêu xiêu áp sát tới chỗ Bến ngồi. Bến hốt hoảng đứng lên rồi lập tức lùi lại mấy bước, lên tiếng: “Đừng đánh, đừng đuổi em, anh Điền ơi… Tư Chờ của anh không về đây nữa đâu. Chỉ có Bến Xẻo Quao ở với anh suốt đời. Anh hết bịnh, em chèo đò nuôi anh. Anh đừng lo. Anh Điền nghe em nói không?”.
Điền dừng. Tự nhiên Điền dịu lại vì trông thấy người nhà ngả hết về phía Bến Xẻo Quao. Bến không khóc. Còn đâu nước mắt để Bến khóc? Đến lúc Bến không còn chịu đựng được nữa vì bị xúc phạm nặng nề nên ngang nhiên bỏ nhà, bỏ Điền ra đi… Dân Trảng Rau được dịp hướng mắt về phía nhà chị tôi xầm xì, bàn tán. Lại không tránh khỏi nạn ngồi lê đôi mách của cánh đàn bà rỗi việc: “ Số thằng Điền con bà Sáu lận đận vì hốt nhằm con cà lơ phất phơ. Con nhỏ đá đít thằng chồng đi theo trai mất tiêu rồi!…”.
Được chứng kiến chuyện không hay diễn ra trong gia đình, chứng huyết áp cao lại hoành hành chị tôi. Vợ chồng Hai Nhẫn, Ba Nhịn nhảy vào cuộc truy tìm, đàng ra chợ Cà Mau, đàng xuống tận xóm Xẻo Quao ngang thị tứ Sông Ông Đốc. Ba ngày, ba đêm lặn lội nhiều nơi, Hai Nhẫn, Ba Nhịn chưa kịp về tới nhà, Bến Xẻo Quao với con Mực có bộ lông đen tuyền xuất hiện tại nhà Ba Nhịn! Người nhà chị tôi và nhiều bà con xóm Trảng Rau thở phào nhẹ nhõm…
Rồi cách đó không lâu, Điền đổ bệnh nặng với nhiều triệu chứng bệnh nan y. Còn nước, còn tát. Lập tức, Điền được chuyển từ Trảng Rau thẳng lên bệnh viện tỉnh.
5- Lại một hồi chuông điện thoại… Số máy quen. Tôi băn khoăn sức khỏe thằng Điền Co Xáng? Cùng lúc, hiện lên trong óc tôi chuyện không may? Nhưng không. Thằng Điền chưa đến nỗi nào. Thuốc men đã chặn được cơn đau của nó? Tiếng Bến khàn khàn, hồn nhiên: “ Báo cho cậu mợ Út hay, anh Điền được xuất viện rồi. Không đợi được chế Hai với anh Ba, hai con bao xe hon-đa “ôm” đi thẳng về Trảng Rau, quê ảnh…”.
Tôi loay hoay đặt nhẹ chiếc máy điện thoại lên bàn, nghe đau day day trong ngực vì nhiều lẽ: Với một người mắc chứng bệnh nan y như Điền Co Xáng được xuất viện chẳng phải là điềm lành? Hai lần được gặp bác sĩ trực khoa tim mạch, được nhìn thoáng qua nhiều gương mặt, ánh mắt ngơ ngác, thất vọng của nhiều lượt người tới thăm thằng cháu gọi tôi bằng cậu cho tôi một viễn cảnh buồn diễn ra trước biết bao tấm lòng tốt của con người, vì người!
Vẫn chưa dứt ra khỏi những cuộc điện thoại… Tin nhắn của Bến: “ Chờ hết bịnh, tụi con cất nhà sau hậu đất anh Ba Nhịn. Mời cậu mợ Út tới nhà tụi con chơi. Con cám ơn cậu mợ nhiều. Tụi con đi đây!…”.
Đọc xong những dòng tin nhắn, tôi ngồi lặng đi một lúc lâu nghĩ tới Điền và đứa cháu dâu đang trên đường về Trảng Rau xa lơ xa lắc… Khác hơn tâm trạng một đứa bé ngồi xuồng ba lá tiễn chị về nhà chồng thủa xa… mắt tôi cay xè, và tim tôi quặn lên, đau thắt…
Tác giả: Nguyễn Thanh – Người thực hiện: NSƯT Hoàng Yến
Bạn muốn gửi Bình luận